Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là một bệnh lý của mắt tuy không quá nguy hiểm nếu được điều trị và chăm sóc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ, nhưng bệnh có khả năng lây lan nhanh cho mọi người xung quanh và gây khó chịu cho người bệnh nếu mắc phải.
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đó hay còn gọi là viêm kết mạc là bệnh lý viêm nhiễm vùng kết mạc của mắt. Kết mạc là lớp màng niêm mạc trong suốt lót phía mặt trong mi mắt và bề mặt của nhãn cầu, bắt đầu ở bờ sau mi mắt và tận hết ở rìa giác mạc. Kết mạc mắt rất giàu mạch máu nuôi dưỡng và gồm 3 phần: kết mạc mi mắt, kết mạc cùng đồ, kết mạc nhãn cầu.
Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là một bệnh lý phổ biến trong nhãn khoa, đặc trưng bởi 3 hiện tượng: sự thâm nhiễm tế bào, tăng xuất tiết mắt, sự dãn mạch của kết mạc
Theo thời gian, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có:
- Viêm kết mạc cấp: < 3 tuần
- Viêm kết mạc mạn: ≥ 3 tuần, triệu chứng kéo dài hơn.
Nguyên nhân đau mắt đỏ (viêm kết mạc): nhiễm vi khuẩn, virus, nấm, dị ứng…
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là gì?
Viêm kết mạc là 1 chẩn đoán lâm sàng dựa vào các triệu chứng bệnh là chủ yếu, chỉ thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng trong các trường hợp đau mắt đỏ (viêm kết mạc) nặng hoặc không đáp ứng điều trị hoặc ở trẻ sơ sinh.
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có thể sẽ là:
- Cộm xốn, bỏng rát, ngứa, chảy nước mắt
- Xuất tiết: Dịch loãng/nhầy/mủ/nhầy mủ, thường vào buổi sáng
- Dịch trong/ Nước thường do virus, dị ứng cấp
- Dịch nhầy thường do dị ứng mạn, khô mắt
- Dịch mủ nhầy thường do chlamydia, vi khuẩn
- Dịch mủ thường do vi khuẩn
- Thị lực: Không giảm
- Thường bị một bên, sau vài ngày lan sang mắt bên kia
- Ngứa: Hay gặp trong viêm kết mạc dị ứng. Tam chứng quan trọng thường gặp: Đỏ mắt, không đau hoặc không mờ
- Trường hợp đau nhiều, nhìn mờ, sợ áng sáng, côm xốn nhiều. Đây là dấu hiệu cho thấy đã có biến chứng của viêm giác mạc.
- Nổi hạch trước tai/ hạch dưới hàm
- Mí mắt: sưng đỏ, phù nề
- Màng giả: chất tiết dính vào biểu mô kết mạc đang viêm. Lúc này, người bệnh có thể lột đi không gây chảy máu
- Màng thật: gồm lớp nông biểu mô kết mạc. Nếu cố gắng lột sẽ gây chảy máu. Điều này báo hiệu viêm kết mạc nặng
- Kết mạc có các nang: Sang thương rải rác, hơi gồ cao, trong mờ giống hạt gạo
- Trung tâm là mầm lympho, mạch máu vây quanh chân nang.
- Nguyên nhân: virus, phản ứng với thuốc nhỏ mắt…
- Kết mạc có các nhú
- Sang thương dạng khảm – những chấm đỏ gồ cao, có mạch máu ở trung tâm
- Nguyên nhân: vi khuẩn, dị ứng, viêm bờ mi, contact lens…
Đau mắt đỏ lây như thế nào?
Đau mắt đỏ là bệnh lý nhẹ ít gây biến chứng nghiêm trọng nhưng dễ lây lan cho cộng đồng qua các đường sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, đau mắt đó có thể lây qua đường hô hấp (nguy hiểm và nhanh nhất), qua nước mắt, nước bọt, bắt tay, những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi.
- Tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng của người bệnh đau mắt đỏ bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang, qua đồ dùng cá nhân, khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi)
- Dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…)
- Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng… tạo cơ hội cho vi khuẩn đi vào mắt
Lưu ý:
- Nhiều người bảo rằng chỉ cần nhìn vào mắt đỏ của người đang bệnh đau mắt đỏ là sẽ bị lây bệnh ngày và xin khẳng định rằng điều đó không đúng, không thể nào lây bệnh đau mắt đó chỉ bằng cách nhìn.
- Bệnh có thể lây cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng vì việc lây bệnh có thể diễn ra cả ở thời kỳ ủ bệnh (thường là 3 ngày trước khi có triệu chứng) và ngay cả khi bệnh nhân đã điều trị bệnh khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.
Điều trị đau mắt đỏ như thế nào?
Bệnh đau mắt đỏ nếu được chữa trị kịp thời sẽ không để lại biến chứng nhưng nếu tự ý dùng thuốc hay điều trị không đúng và không dứt điểm thì có thể dẫn đến các biến chứng viêm, loét giác mạc.
- Ngưng đeo kính tiếp xúc: ít nhất 48h sau khi hết triệu chứng.
- Đeo kính râm nếu có triệu chứng sợ ánh sáng.
- Tưới rửa kết mạc (NaCl 0,9%): để loại bỏ chất tiết hữu ích trong những ca có nhiều nhầy mủ
- Lấy giả mạc/màng thật nếu có
- Dùng thuốc tùy theo nguyên nhân
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) bao lâu thì khỏi?
Bệnh dễ điều trị, thời gian ủ bệnh đến khi phát bệnh và bắt đầu có các triệu chứng là khoảng 3 ngày, thường có thể tự khỏi trong khoảng 7 đến 10 ngày. Nếu được phát hiện và điều trị thích hợp, thời gian khỏi bệnh sẽ còn được rút ngắn hơn nữa. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc chữa trị không dứt điểm có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nếu bệnh kéo dài hơn 3 tuần vẫn không khỏi sẽ trở thành bệnh viêm kết mạc mạn tính.
Đau mắt đỏ nên làm gì?
Có thể áp dụng các biện pháp sau để tránh lây lan viêm kết mạc cho người khác và cũng có thể dùng để phòng ngừa nhiễm bệnh đau mắt đỏ:
- Rửa tay thường xuyên
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt: rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.
- Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày: nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, ít nhất 2 lần mỗi ngày để làm sạch mắt, đồng thời giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
- Tránh dụi mắt bằng tay, nhất là khi đang sinh hoạt chung với nhóm bạn
- Không dùng chung khăn, vật dụng cá nhân
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị VKM
- Nên đeo kính râm khi ra đường để mắt bớt bị chói và bảo vệ mắt
- Bổ sung những thực phẩm cung cấp dinh dưỡng tăng đề kháng cho mắt, thực phẩm chứa vitamin A, vitamin E,…
=> Đau mắt đỏ tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể lây lan nhanh và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, nếu tình trạng đau mắt đỏ kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tin cũ hơn