Trong văn bản “Ấp tôn thần sự tích”, cũng như nhiều tài liệu, văn bia cổ đã ghi lại truyền thống văn hóa ấy. Và cho đến ngày nay, những ngôi chùa, đình cổ kính như chùa Phú Gia, chùa Phú Xá, đình Thượng Thụy vẫn được giữ gìn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Ngày trước ở Phú Thượng có bến đò Xù tấp nập người qua lại, buôn bán trên sông. Nhận thấy Phú Thượng một vị trí chiến lược quan trọng, thuận tiện đường giao thông thủy, bộ, chấp hành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh là: “Nhất định phải gây cho được những cơ sở của Đảng và cơ sở cứu quốc ở các nơi tập trung công nhân, các đường giao thông chiến lược”; Ban Công tác đội Trung ương đã gây dựng tại đây nhiều cơ sở cách mạng trung kiên. Với truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm, lại được tiếp nhận ánh sáng cách mạng từ những tờ báo công khai của Đảng như tờ “Tin tức”, nên Phú Thượng đã trở thành một địa điểm quan trọng trong An toàn khu của Trung ương để làm nhiệm vụ che chở, bảo vệ nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng hoạt động trong thời kỳ bí mật.
Như vậy với điều kiện giao thông thuận lợi, với truyền thống yêu nước nồng nàn, với tinh thần cách mạng dâng cao, Phú Thượng được Đảng chọn là cơ sở trọng yếu trong an toàn khu của Trung ương Đảng thời kì tiền khởi nghĩa 1941 - 1945.
Trong số các cơ sở cách mạng được xây dựng trong thời kỳ này có nhà bà Hai Vẽ ở Phú Gia. Đây cũng là nơi làm việc lâu dài nhất của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ 1941 - 1945, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và nhiều đồng chí cán bộ cách mạng khác thường đã ở và làm việc tại đây. Nhà Bà Hai Vẽ ở cạnh đê sông Hồng. Bà Hai Vẽ làm nghề trồng dâu nuôi tằm nên ít người đến chơi vì kiêng vía dữ, sợ tằm bị chết. Anh trai bà là ông Phó Phan sớm giác ngộ cách mạng nên việc bố trí để các vị trong Thường vụ ở tại đây là đảm bảo an toàn và thuận lợi về mọi mặt. Chính tại nhà bà Hai Vẽ nhiều cuộc họp bí mật của các đồng chí Lãnh đạo Đảng đã được tiến hành và nhiều bài báo, nhiều tài liệu quan trọng của Đảng cũng được soạn thảo tại đây, trong số đó có có bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Đây là một văn kiện lịch sử khẳng định vị trí, vai trò văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Di tích lưu niệm lịch sử cách mạng Nhà bà Hai Vẽ hiện nay gồm các công trình: nhà lưu niệm, nhà phụ , bếp và nhà trưng bày bổ sung . Nhà lưu niệm ngày nay vẫn còn giữ được dáng vẻ của một ngôi nhà ven đô Hà Nội gần 100 năm trước, cụ thể : gồm 5 gian nhà lá, ba gian ngoài làm nơi tiếp khách nghỉ ngơi. Hai gian trong được phân cách bằng bức vách dùng làm nơi nuôi tằm. Ba gian ngoài được bố trí có một cửa hậu sát hàng rào làm lối thoát thuận tiện khi có người lạ vào nhà. Gian giữa đặt hương án và ban thờ gia tiên nhưng phía dưới bàn thờ là nơi dấu tài liệu và trú ẩn khi có bất trắc. Hai gian buồng đặt đũi nuôi tằm và bố trí bàn nhỏ để đồng chí Trường Chinh làm việc.
Năm 1960, được phép của Ủy ban Hành chính (nay là Ủy ban Nhân dân) thành phố Hà Nội, ngành văn hoá xây thêm Nhà Trưng bày bổ sung, Hệ thống trưng bày thể hiện ba chủ đề chính, đó là:
- Những cơ sở liên lạc, nơi ở của các vị trong Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Những địa điểm in báo Cờ giải phóng
- Những địa điểm đặt hòm thư và liên lạc của Thường vụ Trung ương Đảng
Thời gian trôi đi, nhưng những đồ dùng trong nhà bà Hai Vẽ không còn nhiều, ngày nay trong Di tích này chỉ còn lại một số hiện vật gắn liền với những năm tháng hoạt động bí mật của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, những hiện vật đó là: Một chiếc giường tre, một hương án bằng gỗ được đóng thành tủ để đựng tài liệu, một chiếc ghế đẩu mà đồng chí Trường Chinh thường ngồi làm việc, một đũi để nong tằm và bốn chiếc nong tằm. Đây là những đồ vật bình dị, nhưng là những chứng tích lịch sử quan trọng gắn với một thời kỳ lịch sử gian lao, nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Nhà Bà Hai Vẽ là một di tích cách mạng đáng trân trọng và cũng là một địa điểm tham quan về nguồn thú vị cho công chúng Thủ đô nhất là thế hệ trẻ và du khách muôn phương.
Phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, từ ngày Thủ đô được giải phóng, Phú Thượng luôn phấn đấu là đơn vị đi đầu của huyện Từ Liêm (nay là quận Tây Hồ) về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, về thanh toán nạn mù chữ, phát triển kinh tế văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, tích cực chi viện cho các chiến trường chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Phú Thượng đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Đức Thọ - ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, đồng chí Hoàng Tùng – Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác của Trung ương và thành phố về thăm. Vinh dự và tự hào, nhân dân Phú Thượng luôn phát huy được truyền thống vẻ vang của quê hương. Ngày nay, Phú Thượng vẫn đạt được nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng phường xóm yên bình, văn minh và giàu đẹp. Những người con ưu tú của Phú Thượng đã ngã xuống trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc, những gia đình cách mạng đã được Tổ quốc ghi công vẫn sống mãi với truyền thống quê hương đất nước.
Tin cũ hơn