6 CÁCH KIỂM SOÁT CƠN GIẬN CỦA TRẺ

6 CÁCH KIỂM SOÁT CƠN GIẬN CỦA TRẺ

Hoạt động giáo dục

MNXUANLATAYHO

Cô Lanh đã thấy một bạn nhỏ trông rất hung tợn khi đang làm mình làm mẩy với mẹ nó, vì không được ra sân bóng chơi tiếp với các bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, những cảm xúc giận dữ này là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, và sẽ vẫn ở đó phát triển cùng trẻ cho đến khi trẻ lớn lên.

Trong thời buổi với các chỉ thị giãn cách như hiện nay, một số bố mẹ sẽ còn phải chứng kiến nhiều hơn những cơn nóng giận của trẻ, do sự gò bó khi trẻ phải ở nhà liên tục mùa giãn cách. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ngay cả bố mẹ cũng gặp khó khăn trong việc diễn tả cảm xúc, và vẫn có thể “giận quá mất khôn” như con trẻ. Quan trọng là, chúng ta có kinh nghiệm, hãy dạy trẻ cách tốt nhất chúng ta biết để trẻ có thể điều hòa chúng tốt hơn.

Cô Lanh sẽ chia sẻ với bạn vài điều hữu ích giúp bạn và bé kiểm soát những cơn giận của mình!

1.Chấp nhận những cơn giận của con

Khi con bạn đang bùng nổ cơn giận, hãy bình tĩnh “Mẹ biết con đang nóng” để kiểm soát cơn giận đó. Nếu bạn hiểu rõ lý do vì sao trẻ tức giận, hãy thêm vào lý do theo sau: “Mẹ biết con đang nóng, vì con đang chơi xích đu vui vẻ thế mà lại phải rời công viên.” Thừa nhận rằng con đang nổi nóng, và nói trẻ biết. “Cứ nổi giận đi, không sao cả.” Hãy khiến trẻ cảm thấy cả trẻ và những cảm xúc của trẻ đều hoàn toàn bình thường, bạn chấp nhận điều đó. Đừng khiến trẻ cảm thấy việc phô diễn cảm xúc là cấm kỵ, và bắt trẻ phải che giấu cảm xúc của mình.

ky-vong-cha-me-3.jpg

2.Khuyến khích trẻ nói ra

Trẻ em thường không biết cách sử dụng ngôn từ sao cho hợp lý. Việc rèn luyện cho trẻ biết chọn lựa từ ngữ để diễn tả đúng cảm xúc của mình, hoàn toàn nằm ở bố mẹ. Bạn có thể nói với con rằng

“Khi con tức giận, hãy nói điều đó cho bố/mẹ biết”

“Bố/mẹ rất muốn biết điều gì đang khiến con buồn bực đấy.”

“Nếu con dùng từ ngữ để diễn tả, bố/mẹ sẽ hiểu con dễ hơn và giúp con!”

“Lúc con giận, hãy nói thẳng ra là “con đang bực mình lắm”, rồi bố mẹ sẽ tìm cách giải quyết!”

Dần dần, trẻ sẽ lưu tâm để ý những lời căn dăn của bố mẹ vào trong lòng, rồi kiểm soát mọi cơn nóng giận. Đến độ 5 tuổi, trẻ sẽ phát triển superego (Cái Siêu Tôi) – một phần nhân cách phần lưu trữ tất cả những tiêu chuẩn đạo đức mà trẻ có được từ cha mẹ lẫn xã hội. Superego sẽ đóng vai trò như một bảng hiệu “stop” trên đường, giúp trẻ biết khi nào nên kiềm nén cơn giận lại và cư xử đúng mực hơn.

3.Tìm hướng giải quyết tích cực

Xưa nay, những cơn nóng giận của trẻ thường được xem như những nỗ lực để trẻ “điều khiển” bố mẹ làm theo ý mình. Một số chuyên gia khuyên bố mẹ nên để trẻ “khóc cho thỏa cơn”, hoặc chấp nhận chiều theo ý trẻ để thổi bay cơn nóng giận ngay tức khắc. Mặc dù nhiều bố mẹ vẫn hay để trẻ khóc đến khi nào mệt lả người rồi im lặng, để không phải chiều hay làm hư trẻ. Việc để trẻ khóc thực chất không hề giải quyết vấn đề theo hướng tích cực hơn. Trẻ nhỏ cần người lớn giúp đỡ để vượt qua cơn giận, chứ không phải để trẻ chìm đắm trong nó mà không có lối ra.

Hãy cố đưa ra giải pháp. Bố mẹ có thể tặng trẻ một phần thưởng nho nhỏ như gọt một trái táo cho trẻ thay vì mua kem. Bố mẹ còn có thể đánh lạc hướng trẻ bằng “Bố mẹ biết con đang rất buồn vì trời mưa, và chúng ta không thể đi công viên chơi được. Hay là, dựng lều trong phòng khách rồi mình sẽ vào đó chơi, con thích không?”

Đây là những cách để động viên con làm một việc gì đó thú vị hơn, thay thế cho sự dằn vặt kia. Bạn cũng có thể đưa cho trẻ những sự lựa chọn hấp dẫn khác ngoài thứ trẻ mong muốn, hoặc “hứa hẹn”, được rồi, con sẽ có được cái con muốn, nhưng chưa phải bây giờ!

noithat-noidoit1.jpg

4.Hãy từ tốn

Phần lớn, bố mẹ hay lập tức nói “Không” ngay sau khi con trẻ đòi hỏi một điều gì đó. Đây là cách giải quyết sai lầm, dễ khiến trẻ nổi cáu ngay lập tức. Thay vào đó, hãy dừng lại, với một thái độ bình tĩnh “Để xem nào… Con muốn mua món đồ chơi đó phải không? Tại sao con thích nó nhỉ?”

Sự bình tĩnh sẽ cho bạn cơ hội nghĩ về yêu sách của trẻ, rồi tìm cách để “từ chối” chúng, hay điều hướng sự chú ý của chúng qua một việc khác, nếu được. Từ tốn trao đổi điều này với trẻ còn giúp trẻ hiểu hơn lý do tại sao bạn lại từ chối, và chấp nhận nó một cách thỏa đáng. Mặc dù yêu sách của trẻ không được chấp thuận, bạn vẫn muốn trẻ hiểu rằng bố mẹ vẫn luôn bên cạnh lắng nghe, quan tâm và trẻ có thể tiếp tục tin tưởng bố mẹ sau nhiều lần “thất vọng” vì không được đáp ứng nhu cầu kia.

Đôi lúc thay đổi địa điểm cũng giúp cơn giận của trẻ tan biến. Bạn có thể rủ con đi chơi.

“Con có muốn đi làm tóc, gội đầu cùng mẹ không?”

“Hay chiều nay mình đến tiệm thú cưng xem chó mèo nhỉ?”

“Con thích không chiều nay mẹ con mình đi siêu thị?”

Và từ đó, điều hướng cuộc trò chuyện sang một chủ đề mới.

hoa-giai-xung-dot-giua-bo-me-va-con-cai-trong-tuoi-day-thi-bang-cach-nao-2-1640262352743388683772-22-0-397-600-crop-16402623588201990386828.jpg

5.Tìm một góc yên tĩnh

Nếu bạn đang ở chốn công cộng, hãy tìm một nơi khác thích hợp hơn để thảo luận cùng con về vấn đề này. Hãy tập trung vào con, và bản thân bạn, chứ đừng nên để đám đông làm phân tâm. Tìm một góc yên tĩnh, hay đi về nhà, sẽ giúp làm giảm mọi áp lực mà bạn phải chịu trước ánh nhìn của người xung quanh. Không những thế, bạn còn có thể lắng nghe, thấu hiểu con sâu sắc hơn khi con có khoảng không gian riêng tư. Càng ít tiếng ồn và sự náo nhiệt, bạn càng dễ làm dịu cảm xúc của con xuống hơn. Hãy thật chân thành, ngồi lại cùng con “Nào, chúng ta hãy bàn về chuyện lúc nãy nhé!”

6.Đặt ra những giới hạn

Khi bạn muốn trẻ hiểu rằng “Con được quyền nổi nóng, điều đó hoàn toàn bình thường”, hãy đảm bảo rằng bạn phân biệt rõ giữa “giận dữ” và việc trẻ bắt đầu xuất hiện những hành vi hung hăng, tự làm đau bản thân. Nếu trẻ có mâu thuẫn với anh chị em và bắt đầu đánh vào anh mình, hãy làm rõ “Con có thể giận, nhưng tuyệt đối không được đánh người khác, điều đó là sai.”

Bố mẹ phải hướng con đến một lối suy nghĩ tích cực hơn, để phản ứng một cách tích cực, trong những tình huống căng thẳng. Hãy đặt ra những giới hạn: chúng ta không nên làm đau người khác, vì vậy, con không được đánh anh, dù có đang giận dữ đi chăng nữa. Trẻ sẽ chấp nhận hợp tác nếu thấy lý do bố mẹ đưa ra là hợp lý. Từ đó, trẻ biết cách kiểm soát cơn giận của mình tốt hơn!

Mỗi một ông bố, bà mẹ, đều sẽ lựa chọn cho riêng mình những phương pháp giáo dục con khác nhau. Như VJ Thùy Minh, tác giả quyển ‘#MinhvaLinh: Hai chúng mình đi khắp thế giới’) từ một cô gái nổi loạn đến bà mẹ 2 con cùng người chồng ngoại quốc, cũng có nhiều chia sẻ thú vị trong hành trình dạy con của mình.

Thừa nhận mình có được ngày hôm nay là do đã lớn lên trong sự nghiêm khắc dạy dỗ và những kì vọng của bố mẹ, Thùy Minh hiểu, nghiêm khắc là cần thiết. Nhưng chính cô ngày xưa cũng đã từng không được thoải mái chơi đùa, thoải mái thể hiện bản thân. Khi làm mẹ, cô đã tự thêm vào “nhiều định lượng của sự mềm dịu” để thấu hiểu và trở thành người bạn thân thiết nhất, để Linh và Midori (2 bé con của cô) thoải mái tâm sự mọi chuyện “trên trời dưới đất”.

Sưu tầm: Tác giả Nguyễn Thị Lanh